Tiếp tục series phân tích chiến thuật đội trong FC Online, một trong những mục quan trọng nhất và ảnh hưởng đến lối chơi phòng ngự trong game chính là mục "Cách phòng ngự" trong Phòng thủ.
Như các HLV đã biết, có tới 5 cách phòng ngự khác nhau trong mục này và mỗi cách phòng ngự khác nhau sẽ phù hợp với mỗi dạng chiến thuật lối chơi cũng như cách bố trí phòng ngự trong sơ đồ.
Vậy với những mục phòng ngự dưới đây, đặc trưng của từng mục phòng ngự này cụ thể là gì và nên được sắp xếp vào dạng đội hình nào. Hãy cùng fcvn.net tìm hiểu ở bài viết dưới đây
1. Cách phòng thủ : Lui về
Với cài đặt này, khi tham gia phòng ngự, tất cả các cầu thủ trừ vị trí tiền đạo sẽ đồng loạt lui về khu vực phòng ngự và duy trì đội hình được thiết lập. Đây được xem là thiết lập phòng thủ 2 lớp với lớp hậu vệ và lớp tiền vệ đan xen.
Điểm yếu của chiến thuật nằm ở việc lùi quá sâu sẽ tạo nhiều khoảng trống ở khu vực trung tâm cho đối phương sút xa. Tuy nhiên nếu thiết lập hợp lý thì 2 lớp phòng ngự sẽ vô cùng chắc chắn và hoàn toàn có thể phản công bất ngờ.
2. Cách phòng thủ : Cân bằng
Đây là dạng phòng ngự cơ bản, đội hình sẽ được xây dựng dựa theo chiến thuật mà các HLV sắp xếp. Điều này sẽ giúp cân bằng lối chơi cả về phòng ngự lẫn khi triển khai tấn công. Đây được xem là chiến thuật hiệu quả nhất cho lối phòng ngự tự do của những HLV thích tự điều khiển các cầu thủ phòng ngự theo ý thích từ áp sát, đánh chặn cho đến bám đuổi...
3. Cách phòng ngự : Áp lực khi xử lý bóng lỗi
Với thiết lập này, các cầu thủ sẽ gây áp lực khi đối phương chạm bóng không chính xác. Những trường hợp dễ bị xử lý lỗi hay còn gọi là chạm bóng không chính xác bao gồm : tình huống quay lưng về phía hướng tấn công, chạm bước 1 không chắc chân, nhận đường chuyền ngang của đồng đội.
Đây là 3 thói quen chơi bóng mà cài đặt này có thể bắt bài dễ dàng và tối ưu hiệu quả. Chiến thuật này sẽ tối ưu lối chơi pressing chậm, rình rập cơ hội từ những HLV sử dụng phong cách thi đấu rườm rà, xoay sở nhiều hoặc những chiến thuật chuyền bóng quá nhanh cũng sẽ dẫn đến lỗi đỡ bóng từ đó bị áp sát dẫn đến mất bóng.
4. Cách phòng ngự : Áp lực ngay khi mất bóng
Với thiết lập này, sau một tình huống để mất bóng, các cầu thủ trong đội sẽ nhanh chóng quây bóng, áp sát đối phương nhằm đoạt lại quyền kiểm soát bóng. Thời gian áp sát cường độ cao này thường kéo dài khoảng 7s và sau đó sẽ giãn ra nhằm hồi lại thể lực.
Với cách pressing này, cần lưu ý bắt người thật nhanh bởi việc kéo nhiều cầu thủ tham gia pressing vào một vị trí sẽ tạo ra nhiều khoảng trống phòng ngự mà đối phương có thể tận dụng để triển khai tấn công.
5. Cách phòng ngự : Cùng nhau gây áp lực
Đây được xem như một dạng thiết lập pressing tầm cao. Với chiến thuật này, các cầu thủ sẽ cùng nhau dâng lên tham gia pressing tầm cao lên đối phương ép đối phương phải chuyền nhiều dẫn đến mất bóng. Giai đoạn hiệp 1 là thời điểm hiệu quả nhất để áp dụng chiến thuật này.
Với chiến thuật pressing tầm cao như trên, ưu điểm sẽ là giúp bạn nhanh chóng lấy lại quyền kiểm soát bóng. Trong khi đó, nhược điểm của chiến thuật này là nếu sử dụng quá nhiều sẽ hao tổn thể lực rõ rệt khiến cho giai đoạn cuối trận dễ bị đuối sức và tạo cơ hội cho đối phương kiểm soát và ghi bàn.